Tập dưỡng sinh |
Bao nhiêu lý thuyết khoa học dưỡng sinh đã ra đời từ cổ chí kim cho đến thời cận đại và từ đông qua tây. Kết quả chỉ là hữu hạn vì con người vốn là hữu hạn.
Tôi chỉ xin lạm bàn trong bài này để độc giả có dịp đi xuyên qua một quá trình mà con người hằng bận tâm để tìm một giải pháp cho Sinh Lão Bệnh Tử.
Tôi cũng xin quý độc giả lưu ý với sự dè dặt thường lệ vì đề tài này vẫn còn nằm phần lớn trong lý thuyết, để tránh câu hỏi là anh đã sống được bao nhiêu mà dám bàn về trường sinh, giống như một tác giả viết cả cuốn sách để bàn làm thế nào để trúng số độc đắc, vì độc giả sẽ hỏi ông một câu hỏi giống nhau, là ông đã trúng số độc đắc chưa ?…
Từ cổ tích, chúng ta nhớ con người đã đi tìm trường sinh bất tử hay cây nhân sinh, từ lúc Chúa phạt loài người tội tổ tông vì đã ăn trái cấm. Nói thế, đi tìm trường sinh bất tử có nên gọi là cãi lời Chúa không?
Đọc chưởng Kim Dung, chúng ta thích thú, thấy các vị gọi là y tổ luyện tiên đan hoặc linh đan và các vỏ sư khổ công luyện nhơn đan, rồi cố công luyện kim đan, để chế ra vàng. Không biết các vị này có mắc bịnh dấu nghề cổ xưa không mà không thấy môn thuốc trường sinh nào được phổ biến trong dân gian. Ngày nay chúng ta cũng chưa thấy mấy ai cải lão hoàn đồng mà chung cuộc vẫn chui vào áo sơ -mi cây sáu tấm, mà chỉ thấy vài nhà giàu được ướp xác trong chất lỏng Nitrogen ở 0 độ Kelvin (tương đương độ – 273. 15 C) như ông Walt Disney, để sau này Y học tiến bộ, có thể làm sống lại.
Ở trời Tây, Juan Ponce De Léon cũng đi tìm suối trường xuân tại Tân Thế Giới, và ông đã khám phá ra Fountain Of Youth tại Saint Augustine, Florida. Thực ra, ông đã khám phá ra nơi thờ phượng của người da đỏ có con suối giàu khoáng chất…
Chúng ta đều biết trên thế giới này có nhiều địa danh mà con người nổi tiếng sống lâu, nhờ ở khí hậu, môi sinh đặc biệt, hoặc theo một chế độ ẩm thực đặc biệt như ăn sữa chua yaourt, ăn toàn sản phẩm của tổ ong, những môn phái dưỡng sinh macrobiotic, ăn toàn rau quả thực vật và tránh các cây trái trồng ngoài chu vi 100 dặm; phương pháp Tân dưỡng sinh của Oshawa chuyên ăn gạo lức muối mè; môn phái Phatthata của Phạm Thiên Thư, nhà thơ gốc tu sĩ Phật giáo ở Đại học Vạn Hạnh, tập luyện giống Thần quyền; môn phái Cây Gậy Dưỡng Sinh của Mai Bắc Đẩu; môn phái Nhân điện của Lương Minh Đáng, môn phái Vô vi của Lương Sĩ Hằng, chủ trương thiền tập xuất hồn; môn phái của Thanh Hải Vô thượng sư, truyền tâm ấn, tu tập để thành Phật sống; thiền tập qua phương pháp Yoga của các thiền sư Fakir Ấn Độ, và phương pháp bùa phép của các phù thủy Woodoo chuyên luyện Thiên Linh Cái, vân vân và vân vân…
Quá nhiều trường phái dưỡng sinh, vậy chúng ta nên tu tập theo phương pháp nào? Tôi gọi tu tập có nghiã là luyện tập và tu trì.
Trước nhứt chúng ta nên cân nhắc, tùy theo cái tạng của từng người, tùy theo mục đích, tùy theo khả năng và căn duyên, nên sáng suốt theo các danh môn chánh phái mà tránh xa các tà phái , khoe khoang quá đáng.
Nói chung chung, các lý thuyết đều nhấn mạnh đến sự điều độ, thể dục, trí dục (mind and body), cộng với đức dục (ethics).
Từ thể dục đến các thể thao chuyên biệt:
Ai cũng đã biết giá trị của thể thao và thể dục (aerobics) trong vấn đề duy trì sức khỏe. Đi xa hơn, chúng ta có thể đề cập đến vài phương pháp rèn luyện cơ thể chuyên biệt hơn cho sức khỏe cơ thể lẫn trí dục, phần còn lại là đức dục tôi sẽ trở lại sau.
Tai Chi (Thái Cực Quyền):
Môn thể thao phát xuất từ quyền thuật Trung Hoa có hơn 5000 năm, còn được gọi là động thiền. Bài quyền gồm 60 bước, tùy theo môn phái Jin hay Yang. Nguyên tắc là đi bài quyền thật chậm. Giống như sợi chỉ treo hình nhân, tay và chân phải hướng cùng với mặt, hơi thở phải theo từng cử động, từng bước một, khoan thai và thoải mái (relax) để sự tuần hoàn khí (Chi = vital energy) được liên tục và các kinh mạch được thông thương (balance), mở ra không bị bế tắc do đó ngăn ngừa các bệnh tật, lại có công hiệu chiết giảm các cảm xúc. Mỗi ngày tập 30 phút bằng chạy bộ 3 dặm.
Đông y bảo trên thân thể con người có 700 điểm gọi là huyệt trong một hệ thống kinh mạch (meridian) chạy gần da. Các huyệt đó có thể dùng kim châm và cứu hay day ấn để sửa đổi sự tuần hoàn khí lực bị mất thăng bằng trong cơ thể có ảnh hưởng đến các cơ quan ngũ tạng.
Tây y dùng phương pháp giải phẫu để tìm hệ tuần hoàn khí nhưng không có kết quả. Nhưng họ vẫn còn ngạc nhiên khi làm chứng các đông y sĩ chữa được các bệnh bằng châm cứu mà Tây y không chữa nổi. Năm 1972, báo chí Mỹ viếng Trung Quốc và bài tường thuật của họ đã gây một chấn động y học, nhất là khi phái đoàn Trung Quốc được mời qua biểu diễn châm cứu tại New York, không cần cả thuốc mê và bệnh nhân có thể ra về hai tiếng sau khi mổ. Từ đó các trường Y khoa lớn, có giảng dạy thêm khoa châm cứu trong môn Vật Lý Trị Liệu. Ngày xưa, đọc Tam Quốc Chí có nhắc đế vụ Hoa Đà mỗ vết thương cho Quan Vân Trường, vị Quan Thánh này vẫn ngồi nói cuời thản nhiên, không đau đớn gì cả. Nay tìm hiểu mới biết Hoa Đà Biển Thước là bực thầy khoa Châm cứu, đã dùng khoa bế huyệt để thực hiện cuộc giải phẫu trên.
Mổ xác chết, không phải là phương pháp để tìm và nhìn nhận là có một tuần hoàn khác sự tuần hoàn huyết trong cơ thể vì sự tuần hoàn CHI ngưng hẳn sau khi chết.
Năm 1939, một người thợ điện tên Semyon Davidovitch Kirlian ở Krasnodar hồi còn Liên Sô Viết, đã tìm ra một phương pháp chụp hình, trong một từ trường điện cao thế, đã ghi lại trên phim ảnh, năng lượng của cơ thể và cây cỏ. Vài năm sau đó, Bác sĩ Mikhail Kuzmich Gaikin, một phẫu thuật gia ở Leningrad, được đọc công trình của Kirlian, đã sực nhớ ra lý thuyết châm cứu mà ông đã học được từ các y sĩ châm cứu Trung Hoa trong thời gian ông phục vụ trong quân đội Nga tại Trung quốc. Ông đã tìm đến Kirlian và hai ông đối chiếu hình ảnh cơ thể chụp với điện trường cao thế, hai ông đã tìm thấy sự trùng hợp một cách lạ lùng các điểm sáng với sơ đồ các huyệt đạo châm cứu đã có từ 5000 năm trong hệ thống kinh mạch. Kirlian đã làm sáng tỏ truyền thống Y học Á đông, vốn dựa vào kinh viện và tổng hợp mà không dựa vào phân tích, thí nghiệm như Tây Y.
Sau khi nghiên cứu bộ ảnh của Kirlian, Bác sĩ Gaikin, đã cộng tác với kỹ sư điện tử Vladislov Mikaslevsky chế tạo cái tobiscope đầu tiên, dùng để dò đúng huyệt trước khi châm kim, thường thì các huyệt đạo quá nhỏ chỉ rộng độ một li, máy dò của Mikalevsky có thể chính xác trong 1/10 li.
Về sau người Nhật có công hoàn hảo hoá máy dò huyệt châm cứu bằng cách cho đèn chớp báo và tiếng kêu bíp bíp để biết là máy đã dò đúng huyệt. Hồi còn theo học Computer Science tại Old Dominion University, ngày nào cũng có ông giáo sư trẻ tập Tai chi chỗ parking vào giờ ăn trưa, tôi tò mò hỏi và đã đến viện Edgar Cayce Foundation, chuyên trị bệnh theo đức tin (faith healing) và soi kiếp (enlightenment) ở đường bờ biển Virginia Beach để tìm sách Tai chi, sách có khuyên nên tìm thầy hay, hãy học cho đúng. Đợi mãi bốn năm sau tôi mới thụ giáo thầy Robert Smith ở Bethesda, Maryland. Bây giờ mới hiểu tại sao tại các công viên Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, sáng sớm đã thấy người người múa quyền dưới tia nắng sớm của mặt trời, là lúc đất trời tươi mát giao hòa với nhau. (Đọc quyển “Hsing-I, Chinese Mind-Body Boxing của Robert W. Smith”, “Taichi Handbook, Exercise, Meditation and self-defense” của Herman Kauz và “Movements of Magic, The Spirit of T’ai-Chi-Ch’uan” của Bob Klein sẽ chỉ dẫn chi tiết có cả triết lý về Thái Cực Quyền, và quyển “Knocking At The Gate of Life and Other Healing Exercises from China” do Tiến sĩ Edward C. Chang chuyển ngữ từ Official Manual of The Republic of China)
Ưu điểm của Tai chi không những sức khỏe về ngoại lực lẫn nội lực, mà còn để tự vệ, vì bài quyền Thái cực khi đi nhanh, sẽ không có đối thủ nào tấn công được. Nên nhớ Tai chi xuất xứ từ nghệ thuật quyền cước (martial art).
Một phương pháp thường được dạy kèm với Tai chi là phương pháp đẩy tay (Pushhands), là một môn luyện tập cũng xuất xứ từ võ thuật (Wushu). Pushhand nhấn mạnh về thăng bằng và làm mất thăng bằng đối thủ. Vì thế thức luyện tập nầy cần phải có ít nhất hai người, và luôn luôn phải chú ý đến điểm trọng lực (point of gravity) đều trên hai chân.
Từ Tai chi đến châm cứu không xa, Tai chi chủ về luyện tập cho thể lực tinh tiến, châm cứu chủ về ngừa và trị bịnh qua cách đả thông hay bế kinh mạch. Cả hai đều nhấn mạnh sự quân bình trong cơ thể, trong kinh mạch.
Trong các phương pháp chửa bịnh như án ma, suy nả, quất thử, huân úy, tẩm dục, đồ hoán, phu triêm, xuy thông, điều nhập, đạo dẫn, châm cứu, chà bóp, sửa lận xương gân, cạo gió, bắt gió, xông giác (fumigation, inhalation,révulsion),tắm (bain médicamenteuse), thoa rưới (badigeonnase, friction), đặt dán (cataplasme, emplâtre), thổi thụt (insufflation), nhét hậu môn (suppositoire), thông khoan bằng thuốc hay các chất giúp cho thông đại tiện (gymnastique médicamenteuse), châm đốt vào các kinh lạc của các kinh huyệt (acupuncture).
Tất cả các phuơng pháp trên chỉ có châm cứu là quan hệ nhất. Các phương pháp khác chỉ có tính cách phụ trợ, giải quyết tạm thời chứ không thể lành bịnh hẳn được.
Ngày nay, khoa Châm cứu trở nên cực kỳ tinh vi thần diệu, nhờ đã được hệ thống hóa có qui củ.
Các trường phái châm cứu (Acupuncture), ngoài châm cổ điển là thể châm, đến nhĩ châm (auricular), diện châm (facial), tỵ châm. Ở Bình Triệu, Việt Nam có nhóm diện châm Bùi Quốc Châu khai thác 24 huyệt căn bản của Trung Hoa thành hơn 600 huyệt, châm bằng kim nhỏ đặc biệt, thêm phần châm theo hệ thống phản chiếu, thành công đáng kể (xin đọc Châm cứu học của Thượng tọa Thích Tâm Ấn và Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp của Bùi Quốc Châu). Nên nhớ một điều ông Châu không phải là Y sĩ hoặc Đông Y sĩ, chỉ có Cử nhân Luật, nhưng đồ đệ của ông toàn Bác sĩ Tây Y kỳ cựu, mà người phổ biến ở hải ngoại là bác sĩ Trần Văn Sen ở Maryland.
Ngày nay, các khoa học gia đang nghiên cứu đem cả tia laser vào khoa châm cứu.
Đối với những người sợ kim châm, môn phái day ấn huyệt bằng tay (Acupressure), cũng rất phát triễn và thành công cho đến phải biệt phái một Y sĩ chuyên về Acupressure theo phái đoàn lực sĩ Thế vận Hội Mỹ để ứng biến chữa trị cấp thời các lực sĩ bằng cách xoa huyệt tại chổ. (xin đọc Acupressure, Acupuncture without needles, The Miracle of Chinese Healing Through Your Fingertips của tác giả J.V. Cerney).
Chúng ta cũng nên liệt kê môn phái Shiatsu của Nhật cũng rất công hiệu trong việc xoa bóp các huyệt đạo (massage therapy).
Khí Công (Qi Cong) và Thiền Công (Meditation):
Đề tựa dẫn nhập vào khoa Khí Công, giáo sư Pape Vareilla, Viện trưởng Viện Pháp Á, đã mô tả vài nét đan thanh về khoa Khí Công như sau: Khí Công là một bộ môn y học, vừa là bộ môn võ học mà nguồn gốc phát xuất từ các nước Á châu như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng. Nguyên thủy, Khí Công rất đơn sơ, nhưng càng về sau, khoa này càng trở nên tinh diệu vì các khí công gia đã triết học hóa, khoa học hóa và y học hóa.
Khí Công Trung Quốc xuất phát từ các Đạo gia, tương truyền tổ sư là Lão Tử.
Còn Khí Công cổ nhất ở Ấn Độ là môn Yoga, có trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời (563-479 trước Tây Lịch B.C.)
Khoa Khí Công nổi danh nhất là môn Thiền, phát xuất từ Phật Giáo, lịch sử ghi chép rỏ ràng, người tìm ra là Đức Thích Ca Mậu Ni. Thiền sử chép rằng khi ngài ngồi duới gốc cây bồ đề để tìm ra giải thoát, cuối cùng đi đến giác ngộ, đắc pháp. Tất cả tinh yếu về thiền, đều chép trong các bộ kinh Lăng già, Kim cương và Tượng đầu tịnh xá.
Khoa Khí Công Việt Nam thì bắt đầu có từ khoảng hai thế kỷ trước Tây lịch mà ông tổ sáng lập là Sơn Tinh và Lý Thân. Khoa Khí Công Việt truyền đến đầu thế kỷ thứ nhất, thì lại ảnh hưởng của khoa thiền, do ngài Samvananda (Tôn giả nan đà) truyền vào; tới thế kỷ thứ sáu, ngài Vinitaruci (Tỳ Ni Đà Lưu Chi) lại truyền một lần nữa. Từ đấy khoa khí công Việt coi như một khoa Thiền Khí công.
Vì Trung quốc và Việt Nam là hai quốc gia anh em, văn hóa tôn giáo tương đồng, nên khí công Việt truyền sang Hoa; khí công Hoa truyền sang Việt, riết rồi đến đầu thế kỷ thứ mười lăm thì khó mà biện biệt khí công được nữa.
Khí công và Thiền công chia làm hai loại: Tĩnh Công và Động Công.
Tĩnh Công có hàng ngàn, hàng vạn thức, nhưng có thể chia làm bốn loại chính:
Công lực tập trung trong sự minh tâm, dưỡng thần, tạo cho người tập thoải mái về thần chí.
Trị bệnh thần kinh như mất ngủ, hay cáu, hay dỗi, hay giận, tinh thần thất thường, thần kinh suy nhược, trí nhớ thoái hóa, chán đời; nhất là sinh viên học sinh học trong mùa thi.
Trị các bệnh do âm hư nội nhiệt, hay thực nhiệt sinh ra: chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao, tai kêu như ve, miệng khô. Đặc biệt trị chứng nhức đầu do uống rượu nhiều, ăn thức ăn sinh nhiệt.
Giải ưu uất, ẩn ức (refoulement) về đòi hỏi sinh lý.
Khi luyện Thiền Công, Khí Công, có hai điều căn bản. Một là thổ nạp hai là điều khí. Thổ nạp là thổ cố tức nhả cái cũ ra hay nói nôm na là thở. Nạp là nạp tân, tức hít cái mới vào, tiếng bình dân là hít vào. Còn điều khí, là dùng ý dẫn khí chạy khắp cơ thể theo như ý muốn.
Về thổ nạp, có thể theo ba phương pháp chính, dùng trong thức Tiêu sơn hóa tinh pháp là Phương pháp thông thường, phương pháp ý khí hợp nhất và phương pháp đạo gia.
Ngoài các phương pháp kể trên, chúng ta có thể luyện thêm về Hồi sinh công và Hồi dương công.
Hồi sinh công có thuyết nói rằng của một thiền sư Việt nam là Từ Đạo Hạnh. Có thuyết nói rằng của giòng thiền Lâm tế, ở Quy ngưỡng, Trung quốc. Mục đích để phục hồi sức khỏe sau thời gian bệnh nặng, hoặc sau khi làm việc bị mệt mõi (asthénie physique, surmenage).
Hồi sinh công còn chủ trị điều hòa khí huyết, thức lâu không ngủ (insomnie); chữa áp huyết cao; xây xẩm mặt mày (hypertension arterielle, vertige); hoạt động cơ thể nhiều, mệt mỏi tứ chi, đau mình; chữa khí quản nghẹt; nhâm mạch bị đau; nhiệt khí trong cơ thể bị hỗn loạn, mặt nóng, đầu váng.
Hồi Dương Công là phục hồi dương khí đã bị hao mòn vì bất cứ lý do gì. Xuất xứ không rõ, thấy xuất hiện đầu tiên trong Thiền phái Tỳ-ni-da Lưu Chi (Vinitaruci) hay còn gọi là phái Tiêu sơn. Tương truyền người đem phổ biến cho đại chúng là Trần Bắc Đại tướng quân Hoài văn Hầu Trần Quốc Toản. Chiến thuật của Hầu áp dụng trong thời đánh Mông Cổ là: lúc địch bị bại thì đuổi đến cùng, giết đến tuyệt. Khi đánh trận Hàm tử, giết Toa Đô rồi, Hầu dẫn binh đuổi giặc bất kể ngày đêm. Sau chiến thắng, binh tướng đều kiệt sức. Hầu đem Hồi Dương Công dạy cho họ nên chỉ ba giờ sau, họ lại lâm chiến được.
Khi dương hư đưa đến người cảm thấy lạnh, bàn chân bàn tay lạnh, sáng dậy thấy người mệt mỏi, đầu nặng, sờ trán thấy lạnh; tiểu tiện trắng và lỏng; ăn xong buồn ngủ, người lạnh; nam thì bất lực, dương ủy (dương vật bất cử), nữ thì lãnh cảm, huyết trắng, không thụ thai; tim đập chậm dưới 75 lần một phút. Nói theo y học Á châu, thì có thể một trong các tạng như tỳ, tâm, can, thận, phế dương hư hoặc hai, hoặc ba, hoặc tất cả đều ở trạng thái dương hư.
Hồi Dương Công có hiệu năng phục hồi dương khí, tráng dương, bổ thận dương, còn chủ trị trí nhớ giảm thoái; thần kinh suy nhược; mệt mỏi do làm việc trí óc quá độ; làm cho thận kiện, cường tinh, phục hồi tinh khí vì dâm dục quá độ nên cơ thể bị bạc nhược; phụ nữ sau khi đẻ; đi tiểu vặt; sau khi hành dâm.
Tiêu Sơn Hóa Tinh Pháp: Đạo lý Phật giáo chủ diệt dục, tham, sân, si. Dâm là một giới bị cấm ngặt. Nhưng các tăng ni tu luyện khí công thì tinh, thần, khí phải đồng thăng tiến. Mà cả ba thăng tiến, thì dục cũng tăng theo, nên đường tu hành gặp khó khăn. Vậy phải làm sao hóa tinh di, mới có thể tiếp tục đường tu.
Tiêu Sơn Hóa Tinh Pháp chủ trị sinh lý đòi hỏi; điều hoà tinh khí; các nhà tu dùng để diệt dục. Trong quá trình luyện tập, có một số võ sinh, văn gia, ký giả, kỹ sư điện toán, các nghiên cứu gia v. v… thấy sinh lý đòi hỏi, nếu giao hoan, họ thấy đầu óc trống rỗng. Muốn giữ tinh khí cho đầu óc minh mẫn, nên luyện tập thức này. Kết quả thực kỳ diệu, tinh thần sảng khoái, trí nhớ tăng. ((Xin đọc thêm Khí Công Đại Toàn, do Bác sĩ Trần Đại Sỹ (Pháp) viết chung với võ sư bào huynh Trần Huy Quyền (Victoria, Úc Châu) và Y sư Hà Thọ Khang thuộc Đại học Y khoa Thượng hải (Trung Quốc) để hiểu thêm về phương pháp Khí Công thực hành.))
Luân Xa Pháp: Thân thể con người có bảy trung tâm năng lực. Tây phương gọi đó là bảy điểm xoáy, người Ấn độ gọi là Luân Xa. Tuy không thể trông thấy nhưng bảy luân xa này là 7 điện trường cực mạnh và chúng hoàn toàn có thực. Mỗi luân xa tập trung vào một trong 7 tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của nó là sản xuất kích thích tố (hormone). Chính những hormones này điều hành toàn bộ các chức năng của các cơ quan nội tạng và đồng thời điều hành cả tiến trình lão hoá.
Luân xa đầu tiên hay luân xa ở thấp nhất tập trung ở Tuyến sinh dục. Luân xa thứ hai tập trung ở tuyến Tụy trong vùng bụng. Luân xa thứ ba đóng tại Nang thượng thận, gần mạng dây thần kinh bụng. Luân xa thứ tư đóng tại tuyến Ức ở vùng ngực. Luân xa thứ năm đóng ở Tuyến giáp trạng trên cổ. Luân xa thứ sáu đóng ở tuyến Tùng, tại đáy sau của não. Và cuối cùng luân xa thứ bảy đóng ở cao nhất, tập trung tại tuyến Yên, nơi đáy trước của não.
Trong một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, hoạt động của những luân xa này thật mãnh liệt, giúp cho “prana”, sinh lực chủ yếu của sự sống hay còn gọi là sinh lực hoàn vũ, được trôi chảy qua các tuyến nội tiết. Nhưng nếu hoạt động của một hay nhiều luân xa đó bị trì trệ, thì dòng sinh lực của sự sống bị cản trở hoặc bế tắc và như thế đưa đến bịnh hoạn và già nua.
Với một người khỏe mạnh thì các luân xa đó làm tan tỏa sinh lực ra đến tận làn da bên ngoài, ngược lại với một thân thể già nua bệnh hoạn thì những luân xa bệnh hoạn này hầu như không thể đẩy sinh lực lên đến bề mặt của thân. Vì thế, cách thức nhanh nhất để dành lại sự tươi trẻ, sức khỏe và sinh lực là làm sao để những luân xa này hoạt động bình thường trở lại. Để đạt đến mục đích này, chúng ta nên tập luyện luân xa pháp theo năm bài, mỗi một trong năm bài tự nó đã rất hữu ích, nhưng nếu muốn có kết quả tối ưu thì bạn không nên bỏ sót một bài nào. Ở Himalaya, các Lạt Ma gọi chúng là những thức.
Luân xa pháp là các thức chỉ dạy làm thế nào để tiết kiệm và sử dụng năng lực.
Xuất phát từ lối tu tập bí truyền trong điện Potala, Tây tạng qua bao nhiêu đời Lạt Ma truyền lại nay đem qua Ấn độ và thế giới.
Bí quyết của Luân Xa pháp là một khi con người đã nhận thức về cái năng lực chủ yếu đang làm họ sinh động và một khi nó đã biết tích lũy và phát triển cái năng lực đó bằng phương pháp luyện tập và tu tập thích hợp, thì vấn đề còn lại là họ phải biết giữ gìn và sử dụng với một hiệu năng tối đa.
Tư tưởng và hành động, dẫu có là tầm thường nhỏ nhoi, cũng làm tiêu tán đi một số năng lực nào đó; chính vì vậy mà bạn phải kiên trì chống lại sự phân tán tinh thần cũng như những hành động trống không, máy móc, thực hiện không có mục tiêu, không ước muốn thật sự, hoặc chủ yếu là để cho qua giờ. Bị tiêu tán như thế, năng lực bị suy giảm và mất đi sức mạnh của nó, về lượng cũng như về phẩm chất. Ngược lại, nếu bạn biết hướng dẩn và kềm hãm các luồng tư tưởng, ngăn chận trí tưởng tượng, kiểm soát các cảm xúc và biết hành động theo mục tiêu đã được xác định, thì bạn có thể đạt được một sự tập trung năng lực với toàn bộ hiệu năng của nó.
Nguyên tắc của Luân Xa pháp là tôi luyện sự trầm tĩnh, biết tập giấc ngủ và đi chân đất:
a- Sự trầm tĩnh : ở dáng vẻ bề ngoài cũng như trong nột tâm không những là một lợi điểm giúp ta trong đời sống, mà còn là phương tiện giúp ta tránh được sự mất mát nhân điện lực.
Nhằm đạt được điều này, ta phải nuôi dưỡng và phát triển sự tự chủ.
Ta phải dùng ý chí để kiểm soát và làm chủ các cảm xúc.
Cảm xúc là lực và khi lực này được biểu lộ, nó đã mất đi số đáng kể cường độ của nó, ngược lại nếu biết kềm giữ, nó sẽ giúp ta gia tăng sức mạnh.
Việc kềm giữ này bao gồm một sự luyện tập liên tục nhằm làm chủ mọi hành vi vô thức, khống chế mọi cảm xúc nội tại như Swami Vivekananda đã nói: “Tĩnh lặng là sự thể hiện cao cấp nhất của sức mạnh. Hoạt động là sự thể hiện ở cấp thấp”
b- Giấc ngủ : Giấc ngủ là một trong những cách chủ yếu nhằm thu hồi và tích lũy năng lực. Thật vậy, chính trong khi ta ngủ, những dòng sinh lực chuyển động trong cơ thể chúng ta sẽ có được một hoạt động hoàn toàn mới mẻ. Được giải phóng khỏi các ràng buộc của hành động và tư tưởng, chúng ta có thể lưu chuyển trong khắp cơ thể theo một cách thức liên tục và điều hòa; tác động của chúng như thế trở nên hữu ích.
Tuy vậy, yếu tố vừa kể cũng tùy thuộc vào những điều kiện tác động đến giấc ngủ của ta như : sự thoáng khí của phòng ốc, tiêu hóa, sự tĩnh lặng của tâm trí và tất cả những gì liên quan đến chúng. Một bữa ăn tối quá no nê làm cho sự tiêu hóa quá nặng nề, bắt buộc cơ thể phải đương đầu. Trong trường hợp này, năng lực sử dụng sẽ bị tiêu hao và không nạp được vào các luân xa, như thế bạn không thể ngủ ngon giấc; máu, cơ bắp và thần kinh đều thiếu hẳn cái sinh lực chủ yếu đó; sự nghỉ ngơi không được diễn ra theo đúng nghĩa của nó, da thịt không được săn cứng và sức mạnh của cơ bắp bị suy yếu.
c- Đi chân đất: Các cổ thư Trung Hoa và Nhật Bản đề cập đến việc đi chân đất như là một thức tập phải thường xuyên thực hành chẳng những được lành mạnh mà còn nhằm phát triển sinh lực.
Thức tập này, tuy bề ngoài có vẻ không quan trọng, nhưng mang lại những kết quả tốt đẹp trên cường lực của thần kinh và không ai có thể nói hết những ích lợi mà họ đã đạt được trong việc kích thích những đầu mút thần kinh của đôi chân.
Bạn nên thực hành đi chân đất ở ngoài đất, tốt hơn là vào buổi sáng, đi trên cỏ còn đẫm sương, hoặc trên những lớp sỏi của lòng suối.
Ngoài ra bạn phải điều hòa nhịp thở sao cho phù hợp với bước đi bằng cách hít thở sâu.
Sau buổi tập, bạn không nên lau khô chân bằng khăn, mà chỉ nên xoa bóp cho đến khi da được khô, mềm và ấm hẳn.
Đi chân đất giúp bạn tái lập sự tiếp xúc với mặt đất, điều mà con người hiện đại thường thiếu sót, vì phải luôn mang giày, vớ. (nên đọc thêm cuốn “The Fountain Of Youth” “Suối Nguồn Tuổi Trẻ” của Peter Kelder do Lê Thành chuyển ngữ; cuốn “Luyện Tập Dưỡng Sinh cho người lớn tuổi” của Kiêm Thêm và cuốn “Dưỡng Sinh Y đạo” của Hoài Văn Tử và Vĩnh Như)
* Nhân Điện: Con người là một tiểu vũ trụ (microcosm), một đơn vị của cái đại vũ trụ (macrocosm), Làm thế nào để chuyển năng lượng của cái tổng thể đó vào nhân sinh. Theo bà Barbara Ann Brennan, tác giả hai quyển bán chạy hiện nay là The Lights of Hands và quyển Light Emerging thì ngũ quan của con người có thể được dàn trải rộng hơn cái giới hạn thực tại với sự luyện tập và thực hành thường xuyên. Vì các người này có nhiều khả năng bẩm sinh hay khéo léo hơn người nọ, nên khi họ phát triễn ngũ giác là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác quá cái tầm thông thường, một thế giới mới sẽ mở ra với họ mà bà gọi nó là “Sự nhận định cao cấp của giác quan” (Higher Sense Perception)
Khi các siêu giác quan đó đã rộng mở, họ sẽ nhìn thấy được thị trường của cái hào quang (auric field) bao quanh con người, dính liền với các sinh hoạt của đời sống siêu nhiên, bao gồm cả đời sống về thể chất, tinh thần và thiêng liêng.
Cái vùng hào quang đó bao bọc con người gọi là aura, gồm bảy cấp bậc năng lượng. Mỗi cấp bậc thay đổi không ngừng các thức để thu hút năng lực của sự sống. Mỗi cấp đều có sự chuyển động và sự thu hút hơn cái năng lực đang bao bọc và khắc nhập vào nó. Các dạng thức aura đó thay đổi khi đau yếu, lúc mạnh khỏe, và khi chết.
Trong quyển “Tây Tạng Huyền Bí”, tác giả người Anh Spalding có đề cập đến các vị cao tăng ở Tây tạng có huệ nhãn có thể nhìn thấy đường vòng hào quang bao bọc mỗi người và có thể đoán ra họ đang mắc phải bệnh gì.
Vùng hào quang đó, theo bà Brennan, chính là nhân điện.
Theo bà có bảy giai đoạn để chóng lành bệnh:
1- Chúng ta nên có những cảm quan thông thường trong một đời sống lành mạnh, vui thú.
2- Phải tự chấp nhận (self-acceptance) và phải thương mình trước cái đã (self-love) trong nghĩa tích cực nhất.
3- Hiểu hoàn cảnh hiện tại một cách sáng sủa, liền lạc và hợp lý, phù hợp với sự quân bình và trực giác.
4- Yêu thương gia đình và bạn bè, qua cách cho và nhận trong mọi liên hệ với vợ con, bạn bè, người đồng sở và trẻ em.
5- Phải cùng một tuyến với thiêng liêng, phải nói và làm theo đúng sự thật.
6- Yêu thích tình cảm thiêng liêng qua kinh nghiệm bản thân về thiêng tính và tình yêu vô điều kiện.
7- Phải được giao tiếp với thiêng liêng và hiểu thấu các dạng thức tổng quát về vũ trụ. Hiểu cái lẽ khiếm khuyết của ta trong cái hoàn hảo của ta và của vũ trụ.
Môn nhân điện được nhắc tới gần như là một cách chữa bệnh gần với thiêng liêng, nhưng đúng như phần trên ta đã nói về chụp hình cao thế. Các khoa học gia cũng đã nhìn nhận con người lẫn cây cỏ đều có hào quang khác nhau bao quanh (auric field). Biến thế và biến thể năng lượng của mặt trời, của thiên nhiên có thể đưa đến sự phúc lợi và sức khỏe cần thiết cho một cuộc sống bình thường, không cần phải là chân nhân hoặc chân sư mới luyện tập được.
Đức dục:
Chúng ta đã lược qua về các phương pháp thể dục dưỡng sinh, có liên quan đến trí dục, thật là thiếu sót nếu ta bỏ quên đức dục là một phần tôi cho là tối quan trọng trong quá trình học làm người.
Người Mỹ chú trọng nhiều đến thể dục và trí dục đến độ được kỹ nghệ hóa. Trong học đường hình như không có môn học nào về đức dục, việc đọc kinh trong lớp cũng bị chống đối. Vấn đề ngày nay là con người trong xã hội tiến bộ phải đối diện với nhiều trục trặc về phương diện đạo đức. Số lượng nhà thờ không nói lên được số lượng tội ác và nhà tù gia tăng, một nước bán vũ khí đứng đầu thế giới có những án mạng tập thể trong trường học, trong nhà thờ khiến các người lưu tâm phải đặt vấn đề cấp bách tìm một giải pháp.
Sống và thi hành nghệ thuật Sống, chúng ta không thể quên được bài học đổi đời tại cố hương. Không quên được “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà không lọt” và bài học “quả báo nhãn tiền”
Kéo dài đời sống là một chuyện, sống cho ra sống mới là một chuyện. Học làm người, ta chớ quên “Đức năng thắng số” và “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” Sống cho ta và sống cho tha nhân, đạo sống là con đường dẫn tới bất tử thật sự, dẫu ta có vĩnh viễn vắng mặt trong cõi đời này.
Bài viết liên quan:
Sinh tâm thuật học Yoga