Dù khác nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, màu da nhưng mỗi võ sinh, võ sư đến từ hàng trăm môn phái, võ đường khác nhau trên toàn thế giới đều có một điểm chung: tình yêu thiết tha với võ Việt...
Đại hội quốc tế võ cổ truyền VN lần 1 diễn ra tại Hà Nội quy tụ 50 đoàn quốc tế đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, cùng hàng ngàn võ sinh VN đến từ 26 đoàn võ thuật trong cả nước. Câu chuyện về những người đã dành cả đời mình học võ, dạy võ, truyền bá võ cổ truyền VN đến khắp nơi trên thế giới khiến nhiều người xúc động.
Nghiệp võ của một đại võ sư
Năm 1960, đại võ sư Nguyễn Công Tốt theo gia đình sang định cư tại thành phố Marseille (Pháp). Lúc còn ở Sài Gòn, năm 5 tuổi ông đã theo học võ cổ truyền VN của võ sư Ngọt tại Tân Định. Sau khi sang Pháp, ông học thêm karatedo, judo và các phái võ khác. Trên cơ sở đó, ông củng cố kỹ thuật, lấp dần những thế yếu của võ Việt và lập ra môn phái Việt vũ đạo tại Marseille vào những năm 1970. Song song với việc phát triển Việt vũ đạo, ông học đại học luật và trở thành luật sư tại Pháp.
Trong 50 năm học, dạy, truyền bá võ Việt, đến nay ông đã phát triển Việt vũ đạo thành một trong năm môn phái võ Việt lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt vũ đạo có khoảng 3.000 võ sinh tại châu Âu và phát triển võ đường ở gần 20 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Pháp, Việt vũ đạo có 50 võ đường với 1.500 võ sinh. Đây là thành quả của một chặng đường dài không ngừng nỗ lực của đại võ sư Nguyễn Công Tốt.
Chia sẻ về tình yêu với võ Việt, ông nói: “Cái khó lớn nhất khi tôi thành lập môn phái là khi đó ở Pháp và các quốc gia khác không ai biết Việt vũ đạo là gì. Vì vậy, tôi phải chứng minh cho mọi người thấy kỹ thuật của Việt vũ đạo siêu việt, không thua kém môn phái nào. Thêm vào đó, Việt vũ đạo mang đậm văn hóa VN với tinh thần nhân văn sâu sắc. Việt vũ đạo dạy con người cách tự vệ là chính, nếu bắt buộc phải dùng võ thì làm sao để không nguy hiểm cho đối phương. Việt vũ đạo có cả nội dung biểu diễn và đối kháng. Biểu diễn thì có binh khí là gươm, côn, côn nhị khúc... Những ngày đầu tôi vừa dạy võ vừa tự làm binh khí cho các võ sinh tập luyện. Sau này khi có điều kiện, tôi đặt binh khí, trang phục tại TP.HCM chuyển sang. Cái khó nữa chính là việc đi xin chính quyền các quốc gia cấp phép cho mở võ đường, tìm nguồn tài chính để duy trì và học cách quản lý các võ đường với hàng ngàn môn sinh”.
Không chỉ dừng lại ở Pháp, hàng trăm võ sinh từ lò Việt vũ đạo của võ sư Tốt tại Pháp sau khi học xong đã đến nhiều quốc gia để làm việc như Brazil, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Armenia, Úc, Đức, Mali, Tây Ban Nha... cùng với việc truyền bá và mở rộng võ đường Việt vũ đạo. Vì những đóng góp to lớn cho võ Việt, ngày 8-8 võ sư Nguyễn Công Tốt đã được bầu làm phó chủ tịch Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền VN. Trong ngày 9-8, ông cũng được Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn Võ cổ truyền VN trao tặng danh hiệu đại võ sư quốc tế.
Bác sĩ, vũ công...
mê võ Việt
Đến từ Việt vũ đạo Mali, tiến sĩ y khoa người Pháp Jean Gaudart, một học trò của võ sư Nguyễn Công Tốt, là người có tình yêu sâu đậm với võ Việt. Jean Gaudart bắt đầu theo học võ Việt năm 15 tuổi. Năm nay 50 tuổi, Jean Gaudart hiện đang sinh sống tại Mali - một quốc gia phía tây châu Phi. Jean kể khi còn là học sinh trung học, tình cờ ông biết đến Việt vũ đạo và đến đăng ký làm môn sinh sau khi xem những bài biểu diễn cuốn hút và đẹp mắt của phái võ này. Suốt 25 năm qua, Jean đã gắn bó với võ Việt và coi đây là một phần cuộc sống của mình.
Jean chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất của tôi là tôi không có nhiều thời gian vì quá bận rộn nên luôn phải sắp xếp công việc, gia đình để dành một khoảng thời gian cho võ. Sau nhiều lần đến Mali, thấy người dân quá vất vả, nghèo khổ nên tôi đã quyết định sẽ ở lại đây làm việc. Hiện tôi là giáo sư y khoa của một trường đại học ở Mali. Bên cạnh công việc giảng dạy, tôi mở một võ đường để dạy võ Việt tại đây. Đặc biệt, người Mali rất mê võ Việt. Đến nay tôi đã mở được 15 CLB với khoảng 600 võ sinh theo học tại Mali. Vì quá nghèo nên việc mua binh khí, thảm để các võ sinh tập võ đôi khi là thách thức lớn nhất đối với tôi. Hầu hết võ sinh phải tập trên sân đất dễ chấn thương vì không có tiền mua thảm”.
Ngày 9-8 tại lễ khai mạc, Cung điền kinh trong nhà Hà Nội đã biến thành một sân khấu đầy ma lực khi chứng kiến cặp đôi võ sư Andre Lenzi và vũ công kiêm võ sư Karen Agopian biểu diễn côn nhị khúc kết hợp với múa. Đã tập võ Việt được 30 năm, võ sư Andre Lenzi là một trong những học trò ưu tú nhất của võ sư Nguyễn Công Tốt và hiện đang quản lý một doanh nghiệp tại Pháp. Còn võ sư Karen Agopian là một vũ công chuyên nghiệp tại Pháp. Học võ Việt được 10 năm và tập riêng bài biểu diễn này ba năm nay, cặp đôi Andre Lenzi - Karen Agopian đã làm ngây ngất bao người bởi màn kết hợp võ Việt với khiêu vũ. Tất cả họ đều có một tình yêu tuyệt vời với võ cổ truyền VN.
Bài viết khác: Bác Hồ - người là tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe