Chúng ta thường quen với hình ảnh những người đàn ông làm bảo vệ ở các trường học. Thế nhưng, tại thị xã An Khê, Gia Lai, hy hữu có một người phụ nữ suốt gần 32 năm qua làm bảo vệ của Trường THCS Đề Thám. Bà là Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, trú tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Không đơn thuần làm công việc của người bảo vệ,bà Hạnh còn là người bà, người mẹ thân thiết của nhiều thế hệ học trò. Nhiều người gọi bà hết sức trìu mến: má Hai hay má Hạnh.
Năm 22 tuổi, bà Hạnh (ảnh) vào Trường THCS Đề Thám làm việc với vai trò cấp dưỡng, quản lý bếp ăn tập thể. Thời gian này, hoàn cảnh gia đình bà hết sức khó khăn khi chồng bị bạo bệnh qua đời, để lại một đứa con thơ đang chập chững tập đi và một mẹ già. Thu nhập mỗi tháng chỉ vẻn vẹn 40 đồng, bà phải tằn tiện nuôi ba miệng ăn. Nhiều lúc túng quẫn, bà phải đi vay mượn bạn bè, người thân để đong gạo. Nửa năm sau, bếp ăn tập thể của trường đóng cửa, bà Hạnh xin ở lại trường làm bảo vệ.
Một nhóm học sinh lớp 9 kể: “Chúng em coi má Hạnh như người bảo mẫu thân thiết. Má luôn nắm rõ hoàn cảnh, tính cách và nhất là các chiêu “nhất quỷ, nhì ma” của các học trò cá biệt trong trường. Sau khi học sinh đã ổn định, má sắp xếp công việc rồi xách chiếc xe đạp cà tàng dạo khắp nơi tìm kiếm những học sinh cúp học. Những nơi má kiếm thường là tiệm Internet, một số ao hồ, quán nhậu bình dân... Khi phát hiện “đối tượng”, má nói ngon ngọt cũng có, dùng biện pháp mạnh cũng có, để đưa các bạn về lớp học cho kỳ được. Nhiều bạn ban đầu còn tỏ ra ngang bướng, nhưng rồi nể cách cư xử của má Hai đã chấp nhận nghe lời cho má khỏi buồn! Cách đây không lâu, do gia đình chỉ chăm chú làm ăn, ít quan tâm đến chuyện học hành của con trai nên T. thường xuyên trộm tiền của cha mẹ rồi bỏ học đi chơi game. Biết chuyện, má Hai tìm mọi cách khuyên bảo, T. đã cai được game và không còn bỏ học nữa.
Ngoài nắm bắt hết các chiêu, các mánh của lũ học trò tinh nghịch, má còn tìm cách giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghe chúng tâm sự, chia sẻ để góp ý. Biết học sinh nào vì sao không đi học, má liền đạp xe đến nhà chở chúng đi học. Đứa nào đau ốm ở trường, má tự bỏ tiền túi mua thuốc cho chúng. “Học sinh bây giờ rất nghịch ngợm, đạo đức có phần xuống cấp, nhưng mình phải biết được tính tình của chúng, để dạy dỗ. Chúng vi phạm thì phải nghiêm khắc răn đe, tiến bộ thì phải khen thưởng, động viên”, má Hai bộc bạch.
Đánh giá về má Hai, một cán bộ Công an phường Tây Sơn cho biết: Nhiều năm nay, má Hai không chỉ có công trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại trường, mà còn giúp phường tham gia phá nhiều vụ án như đánh nhau, trộm cắp tài sản xung quanh trường và trên địa bàn.
Gần 32 năm làm bảo vệ, bà Hạnh luôn được các thế hệ học sinh kính trọng, yêu thương như một người mẹ hiền dù tính tình rất nghiêm khắc. Bà bỏ nhiều công sức, thời gian, tâm huyết để hiểu rõ ngọn nguồn các chiêu trò của những học sinh cá biệt, từ đó răn dạy và hướng các em trở thành những trò ngoan. Bà được các tổ chức nhà nước từ địa phương đến trung ương trao nhiều giấy khen, bằng khen trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong đó có Kỷ niệm chương của Bộ Công an, giấy khen của UBND tỉnh Gia Lai và UBND thị xã An Khê.
Bài viết khác: Dịch vụ bảo vệ